![](https://mlhsjxsgyazl.i.optimole.com/w:300/h:251/q:mauto/f:best/https://i0.wp.com/namngochien.com/wp-content/uploads/2024/11/Xem-Kieu.jpg?resize=300%2C251&ssl=1)
Xem Kiều
- Năm sáng tác: 2019
- Chất liệu: màu nước trên lụa
Truyện Kiều là tác phẩm văn học chữ Nôm danh tiếng của Nguyễn Du, nhà thi hào lừng lẫy cuối thế kỷ18 – đầu thế kỷ 19.
Tác phẩm kể lại cuộc đời, những thử thách và đau khổ của Thúy Kiều, một phụ nữ trẻ xinh đẹp và tài năng, phải hy sinh thân mình để cứu gia đình và bị ép làm kĩ nữ trong lầu xanh, rồi vương mang vào những hoàn cảnh éo le, lâm ly bi đát, vùi dập một đời hoa.
Tuy vậy, vẫn tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau là “say mê và tôn sùng truyện đến cực độ và mạ lỵ chửi bới cũng hết điều”. Có người phê phán: “Nói cho đúng ra Truyện Kiều chỉ là một dâm thư, rõ ràng không có ích gì mà có hại. Ở xã hội ta từ có kẻ tán dương Truyện Kiều truyền bá học Kiều đến nay, đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi bể tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà theo mốt đam mê của mình…”
Nhưng về hình thức nghệ thuật, ở đây hội tụ sự thành công của điệu thơ lục bát, của nghệ thuật ngôn ngữ, của các biện pháp tu từ, v.v… Dù tác phẩm còn bị hạn chế bởi tư tưởng định mệnh, nhưng nhìn chung Truyện Kiều vẫn là di sản quý báu của nền văn học Việt Nam…
Tác phẩm “Xem Kiều” được sáng tác dựa trên cảm xúc trong cái sát na khi hồi tưởng về tác phẩm đó sau khi hiệu đính 5 dị bản khác nhau trong 3 năm ròng rã. Ông đọc truyện mà mắt đâu hề trong sách, vì hình ảnh nó quá rõ ràng hiện ngang tầm mắt mình:
“Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
Giữa thì hương án hẳn hoi,
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.”
Đây là cái tình cảnh Kiều ngỡ ngàng khi đc đưa về chỗ lầu xanh của Tú Bà.
Đúng ra, ông ngồi đọc phải tiếc thương chứ, sao lại có cái nhìn liếc mắt thích thú, tay trái lại gãi cằm vuốt râu?!
Ông khoái chí thì mới thế! Ông khoái cái thủ pháp tạo tình tiết thật thú vị cho câu chuyện, ông khen cho cách tạo cảnh cho bi thương, tạo hình nhân vật sống động! Chứ ông thương vay khóc mướn chi cho kiếp số phụ nữ lạc chốn lầu xanh! Nói như thế ko có nghĩa ông ko thương cho phận bạc má hồng, nhưng tại đây là cách ông thể hiện cái khâm phục với ngòi bút tác giả, đã dẫn dắt thành công đưa ông vào truyện!
Gối gấm ngũ sắc tựa bên, nhưng ông nào thèm dựa, làm ngụm trà lớn rồi hả hê chống cằm đọc thêm, đọc thêm, rồi lại đọc lớn cái câu:
“Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.
Nàng rằng: “Mưa gió dập dìu,
Liều thân ấy cũng phải liều thế thôi !”
Ông chúm chím môi cười, tay vỗ bàn vỗ sách, khen cho kế sâu kế hiểm của mụ Tú Bà, trước nhỏ nhẹ yêu chiều, sau đòn roi vùi dập, trước rào sau đón đưa Kiều vào trận hoả mù rồi tự nàng phải tự nguyện tiếp khách làng chơi.
Xem Kiều đâu chỉ để khóc, để tiếc hoa thương ngọc, ta vẫn có thể cười, cười cho cái thế thái nhân tình bạc đen lẫn lộn, cười cái xã hội trơ tráo lọc lừa, cười lòng người nham hiểm độc tàn, cười cái phận đen bọt bèo trôi nổi.