![](https://mlhsjxsgyazl.i.optimole.com/w:225/h:300/q:mauto/f:best/https://i0.wp.com/namngochien.com/wp-content/uploads/2024/11/Tu-Phu-Van-Linh.jpg?resize=225%2C300&ssl=1)
Tứ Phủ Vạn Linh
- Năm sáng tác: 2020
- Chất liệu: màu nước trên lụa
- Kích thước: 100×150 cm
Nhánh Tứ Phủ của Đạo Mẫu (một trong những tín ngưỡng bản địa của Việt Nam) chia vũ trụ thành bốn cõi: Trời, Đất, Nước và Núi Rừng. Mỗi cõi này được quản cai bởi một Phủ, cũng vì vậy mà có tên là Tứ Phủ.
Tứ Phủ có vô vàn chân linh, nhưng hệ thống thần điện tối cao được quy định rõ. Trong tác phẩm Tứ Phủ Vạn Linh, họa sĩ Đoàn Thành Lộc thể hiện những vị Thánh trong hệ thống thần điện ấy theo đúng thể cách của tranh truyền thống, nhưng thông qua những kiến giải và bút pháp đặc trưng của cá nhân.
Ở hàng cao nhất trong bức tranh là Bồ tát Quán Thế Âm, đại diện cho chư Phật. Ngài vốn không phải là một vị thánh trong Đạo Mẫu Tứ Phủ, tuy nhiên Đạo Mẫu Tứ Phủ có truyền thống trượng thừa Phật pháp. Thần tích, văn chầu thường hay kể về những vị thần Tứ Phủ nguyện quy y Tam Bảo.
Tranh truyền thống và tác phẩm Tứ Phủ Vạn Linh thể hiện hình tướng nữ của Bồ tát Quán Thế Âm, một phần cũng nói lên việc đề cao tính nữ trong Đạo Mẫu.
Hàng thánh Tứ Phủ đầu tiên trong tranh vẽ chư vị Thánh Đế, những vị nam thần tối cao trong thần điện. Bốn vị Thánh Đế đều cầm hốt bạch ngọc trong tay, thể hiện uy quyền quản cai vũ trụ. Dân gian quen gọi các Ngài là Vua Cha bởi lẽ Chư vị mang hình tượng Người Cha vũ trụ, dạy dỗ các con bằng sự nghiêm minh, công bằng.
Bên cạnh các yếu tố trượng thừa Phật giáo, Tứ Phủ đồng thời chịu những ảnh hưởng từ Đạo giáo. Điều này thể hiện rõ qua hình tượng hai vị thần trong hàng Thánh Đế: Ngọc Hoàng Thượng Đế và Minh Vương Đại Đế.
Thánh Mẫu là những vị thánh trung tâm của thần điện Tứ Phủ. Mỗi Phủ được quản cai bởi một Thánh Mẫu. Quan niệm cho rằng các vị Thánh Mẫu là con gái của các Vua Cha. Đối xứng với Vua Cha, Thánh Mẫu mang hình tượng Người Mẹ vũ trụ. Dân gian quen gọi các vị như sau: Đệ Nhất Thiên Tiên (tức Mẫu Cửu Trùng Thiên), Đệ Nhị Địa Tiên (tức Mẫu Liễu Hạnh), Đệ Tam Thuỷ Tiên (tức Mẫu Thoải), và Đệ Tứ Nhạc Tiên (tức Mẫu Thượng Ngàn).