![](https://mlhsjxsgyazl.i.optimole.com/w:197/h:300/q:mauto/f:best/https://i0.wp.com/namngochien.com/wp-content/uploads/2024/11/Ong-To-Ba-Nguyet.jpeg?resize=197%2C300&ssl=1)
Ông Tơ Bà Nguyệt
- Năm sáng tác: 2020
- Chất liệu: màu nước trên lụa
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam tin vào Ông Tơ Bà Nguyệt, một cặp đôi thần linh tác hợp cho những người có duyên với nhau. Câu chuyện này chịu sự ảnh hưởng từ truyền thuyết Nguyệt Hạ Lão Nhân của Trung Hoa (kể về một ông già ngồi dưới trăng xem sổ ghi chép nhân duyên và se tơ kết đôi cho người trần gian). Tuy nhiên, khi dung hoà vào văn hoá Việt Nam, hình tượng này đã trở thành một cặp đôi thần linh, có nam và nữ cùng song hành. Ông Tơ nối duyên; Bà Nguyệt điều tiết tình cảm.
Nhiều sợi tơ nhỏ riêng lẻ, khi bện chặt vào nhau lại làm nên một dây tơ lớn xuyên suốt, dai chắc khó đứt. Dây tơ vì vậy trở thành biểu tượng của sự quấn quít không rời. Ông Tơ là vị thánh nam bên trái, quản dây tơ tạo ra những nhân duyên mới.
Trong khi đó, mặt trăng gắn với sự sinh sôi, dồi dào. Theo truyền thống, khi đôi nam nữ kết hôn tất sẽ mong cầu con đàn cháu đống, của cải dư dả. Xa hơn những giá trị vật chất, mặt trăng còn đại diện cho những giá trị tinh thần của một gia đình gắn bó, quây quần viên mãn. Bà Nguyệt là vị thánh nữ bên phải, mang quyền năng vầng nguyệt để nuôi dưỡng, vun đắp những mối duyên đã thành.
Không có nhiều tranh tượng hay nơi chốn thờ hai vị, nhưng hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt thoáng hiện nhiều trong văn thơ từ xưa và cả lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân. Hoạ sĩ Đoàn Thành Lộc hoạ bức tranh chân dung hai vị, cũng là để hình dung về Ông Tơ Bà Nguyệt trở nên rõ nét hơn.
Ông Tơ
Ông Tơ được vẽ vận quan phục nhà Hậu Lê: đầu đội mũ ô sa, tóc xoã dài, áo bào đỏ vân mây. Trước ngực áo có bổ tử hình rồng. Ông ngồi xếp bằng, chân trái kê lên gối, biểu ý thư thái, nhàn nhã. Tay trái Ông Tơ cầm chỉ đỏ để thắt chặt tình duyên đôi lứa. Tuy vậy, sự kết nối ấy lỏng hay chặt tuỳ duyên nợ của họ. Vị Thánh nam chỉ nghiêm minh thuận theo ghi chép đã định sẵn trong sổ nhân duyên.
Bà Nguyệt
Bà Nguyệt được vẽ theo phục sức tượng thờ Đạo Mẫu: lớp tóc trên búi cao, lớp tóc dưới xoã dài, trên đường chân tóc có gắn kim hoa. Bà mặc áo giao lĩnh nhiều lớp. Hai cổ tay đeo cặp vòng xuyến vàng. Chân phải Bà Nguyệt kê lên gối, dáng vẻ thong dong. Tay bà cầm quạt điều tiết tình cảm hai người. Khi lạnh nhạt bà giúp cho nồng ấm, lúc nóng nảy bà khiến cho dịu đi. Nếu Ông Tơ là vị thánh nam tạo duyên định sẵn, thì Bà Nguyệt là vị thánh nữ giúp nhân sinh nuôi dưỡng tình cảm thành mối lương duyên.
Mâm Quả
Trên ban thờ người Việt, một mâm cúng có nhiều loại trái cây đủ màu đủ vị chính là biểu trưng cho sự dồi dào, phong phú, mang lại hàm ý phồn vinh. Những loại trái cây trong bức tranh được bày trên một chiếc mâm bồng truyền thống. Các loại quả này đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên khắp đất nước. Mỗi loại lại có ý nghĩa cát tường khác nhau. Nải chuối tượng trưng cho con đàn cháu đống. Mãng cầu nghe gần âm với “mãn cầu”, tức được mãn nguyện. Phật thủ mang đến sự trường thọ. Quả đào và quả lý, tức “đào lý”, hàm ý chỉ tình duyên của trẻ mới lớn.
Trầu Cau
Trầu cau tượng trưng cho tình duyên bắt đầu, là lễ vật không thể thiếu trong những lễ nghi liên quan đến hôn sự. Câu chuyện cổ tích về khởi nguồn của trầu cau cũng gắn với một chuyện tình thuỷ chung, son sắt. Trầu cau được đặt bên trái ban thờ, ở phía vị nam thần khởi tạo mối duyên, cũng vì ý nghĩa như vậy.
Bánh Phu Thê
Bánh phu thê là món bánh truyền thống hay xuất hiện trong lễ cưới. Tương truyền món bánh này có từ thời nhà Lý, do một nàng phi dày công làm nên để gửi cho vua Lý Anh Tông đang chinh chiến sa trường. Nhân bánh hình tròn, bọc trong vỏ bánh hình vuông, gợi đến quan niệm trời tròn đất vuông, vạn sự chu viên. Chất bánh mềm mại, dính dấp, có người liên tưởng mong cho lứa đôi luôn diụ dàng, gắn bó.