Châu Quản Sự
- Năm sáng tác: 2019
- Chất liệu: màu nước trên giấy xuyến
- Kích thước: 40×60 cm
“Chịu ảnh hưởng từ nền văn hoá phương Đông, các chế độ phong kiến Việt Nam duy trì việc sử dụng thái giám trong triều đình.
Triều Nguyễn tuyển chọn thái giám (tục gọi hoạn quan) để giám sát, dạy dỗ cũng như hầu hạ đội ngũ phi tần nội cung. Họ tuy là một chức quan địa vị thấp nhưng chiếm vị trí quan trọng ngầm trong nội cung xưa.
Họ được tuyển chọn từ những đứa trẻ 12-13 tuổi, dạng ái nam, ái nữ ở các làng quê. Nếu làng nào tiến cử được nhiều thái giám thì sẽ nhận được ân huệ giảm thuế, giảm phu phen, tạp dịch. Năm 1824, vua Minh Mạng ban chỉ các nơi tuyển chọn “giám sinh” vào cung (là những người bẩm sinh ngay từ khi mới chào đời đã không có sinh thực khí dù của đàn ông hay đàn bà). Cũng bởi vậy nên ở các làng quê thường truyền nhau câu cửa miệng “Ăn mà đẻ ông Bộ (người có khuyết tật về bộ phận sinh dục) cho làng nhờ”.
Có những trường hợp khác, hoạn quan là những người bình thường nhưng vì cuộc sống khốn khó nên chấp nhận bị thiến để được vào cung hầu hạ hoàng gia. Các hoạn quan trước khi nhập cung phải trải qua những thủ thuật hết sức đau đớn gọi là “tịnh thân” tức cắt bỏ bộ phận sinh dục.
“Ngô đồng tịch mịch, viện sâu khoá xuân xanh”
Lá ngô đồng bay man mác buổi chiều thu, những giám sinh rời xa người thân, rời xa tất cả những gì thân quen, bước tới một nơi xa lạ. Giữa chốn nội cung lầu ngọc gác tía, má phấn môi son, nào ai hay lại giăng đầy éo le, gai góc. Những mưu toan tranh sủng của phi tần, lệ ai oán tức tửa đêm đêm; thoáng đâu đây tiếng thở dài não nề, góc khuất nội cung muôn đời vẫn thế.
Ngoài kia chốn tiền triều cũng chẳng ít phong ba, tranh ngôi đoạt vị, mưu lợi quyền lực. Sau màn che nội cung các Đức Bà cũng đầy toan tính tranh giành ngôi trữ quân về cho con trai mình. Các thái giám nào ai hay tên tuổi, phục vụ nơi chốn cung cấm với bao luật lệ hà khắc, cúc cung tận tụy cả đời. Họ sống ngoài lề so với các quan chức khác trong cung, đi lượm nơi này, mót nơi kia rỉ chút ân huệ để làm vui cho cuộc sống. Não nề thay nhân sinh thời cuộc, xót xa thay thế thái nhân tình.
“Ngày lạnh tiêu điều toả xuống song, ngô đồng sao hận những đêm sương”
Sau khi lo việc hầu hạ cho các Đức Bà, Ngài Hoàng, họ được cho lui về nghỉ ngơi ở khu vực phía bắc của cung cấm, được gọi là Giám viện. Những dãy phòng nhỏ nối dài, nằm liền kề nhau là nơi ở của đủ các bậc thái giám, già có trẻ có…
Vốn mặc cảm với cuộc sống bị cuộc đời khinh ghét nên các thái giám rất ít khi trò chuyện, vui cười. Họ lẳng lặng làm công việc hàng ngày rồi nép mình sau tấm màn của hậu cung. Khi màn đêm buông xuống, những cuộc đời bị ruồng bỏ càng lạnh lùng, thấm thía hơn nỗi đau của “kẻ lạc loài”.
Quan điểm phong kiến xưa, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có ba điều bất hiếu, lớn nhất là không có con nối dõi tông đường), đối với tổ tiên, cha mẹ, họ tự coi mình là tội nhân bất hiếu. Còn đối với bản thân, họ không thoát khỏi cái cảnh trăm năm cô đơn, không nơi nương tựa. Vào những đêm trăng thanh vắng, các thái giám trải chiếu ngồi trò chuyện với nhau. Câu chuyện của họ trở nên rầu rĩ, thê lương: “Là chim thì phải biết bay, qua chiều mới tới tối. Là ngựa là phải có bờm, cơn gió thì ắt có trái mùa”. Đó là quy luật sinh – lão – bệnh – tử trong cuộc sống. Các Thái giám triều Nguyễn cũng không thoát khỏi quy luật đó, nhưng sau khi chết họ không có người chăm lo, thờ tự. Họ ôm nhau khóc và nước mắt cứ thế tuôn rơi trên tấm chiếu “dát vàng, trải bạc” của hoàng cung.
Đường trước lờ mờ, lối sau mù mịt.
Đêm thu ảm đạm, sớm mai bàng hoàng!
Sầu vì nỗi Nghiệp lực buộc ràng, khó mà giải thoát.
Mong sao nhờ Đạo Mầu cứu bạt, may được thảnh thơi.
Ý thức được nỗi đau của cuộc sống, thái giám Châu Phước Năng (đời vua Thiệu Trị) đã đứng ra quyên tiền trùng tu chùa Từ Hiếu và chọn ngôi chùa này làm nơi yên nghỉ về sau. Sử sách triều Nguyễn còn ghi: “Năng là thái giám chuyên hầu hạ cho vua Thiệu Trị. Y được vua yêu mến bởi tính cách cần cù, chăm chỉ và rất hợp với tính vua.”
Ông vốn là một giám sinh, sinh ra trong gia đình địa chủ ở Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) nhưng do mặc cảm về thân phận nên xin vào cung làm thái giám. Ông từng được gia đình cho ăn học đàng hoàng nên kiến thức khá uyên sâu. Khi thấy thái giám Năng đứng ra xin tiền xây chùa, trong cung đã nảy sinh nhiều “lời ra, tiếng vào”. Có người nói, Năng ỷ lại vào việc được vua yêu mến mà đứng ra xin tiền, lấy làm của riêng. Nhưng cũng có nhiều cung phi, thái giám cảm thương đồng tình cùng nhau quyên góp tiền bạc, ruộng đất để tôn tạo, mở rộng chùa Từ Hiếu.
“Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhận thấy rằng phía Tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng.”
Từ đây chùa Từ Hiếu là nơi lo nhang đèn cho họ khi chết, khi sống họ có thể đi lánh mình, ra vào có bầu bạn tâm sự, ốm đau có thể chăm sóc lẫn nhau, chết và táng được đưa tiễn cùng nhau.
“Trong khi sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Sống hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.
Khi vô thường chợt đến, nhắm mắt xuôi tay, cũng qua một kiếp con người. Nơi đây vẫn dưới bóng ngô đồng tỏa mát, đêm thu trăng mây làm bạn, mọi thứ vinh hoa dường cơn gió thoảng, thăng trầm vinh nhục tợ áng mây bay. Phảng phất đâu đây vẫn còn tiếng than não nề, thoáng ẩn hiện kẻ xưa còn đó. Mộ lạnh mấy ai hương khói, nào ai biết một tầng lớp trong triều có nhiều công lao trong việc phục vụ triều đình, đất nước.
Trải qua trăm cuộc bể dâu, thân phận thái giám giờ cũng chả ai để ý mà cũng chẳng cần biết làm gì, cái còn lại chỉ là chút ngậm ngùi, thương xót cho những kiếp người!
‘Chợt xuất hiện rồi cũng chợt tan đi’.”
— Chắp bút bởi tác giả Đoàn Thành Lộc