Cẩm Nang Mùa Tết

Nội dung này nằm trong khuôn khổ dự án
Tết Ta Trời Tây 2025 | Chương trình tại Bảo tàng DAR & NMAA

Tết là gì nhỉ?


Tết, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán (có nghĩa là “tết của mặt trời đầu tiên”), là lễ hội quan trọng nhất của người Việt Nam.

Diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch, Tết đánh dấu mùa xuân và mang đến hy vọng cùng năng lượng tích cực cho năm mới.

Cũng giống như mùa lễ hội ở Mỹ, Tết ở Việt Nam không chỉ kéo dài vài ngày – mà là cả một mùa lễ hội tràn đầy không khí vui tươi!

Mùa Tết bắt đầu bằng các hoạt động gắn kết gia đình (bao gồm cả những người thân đã khuất và tổ tiên). Sau đó là thời gian thăm hỏi bạn bè, gặp gỡ người quen và tham gia các sự kiện cộng đồng.

Mùa Tết kéo dài bao lâu?


Đối với nhiều người, mùa Tết bắt đầu từ đầu tháng Chạp âm lịch, khi mọi người bắt đầu chuẩn bị đón Tết.

Ba ngày đầu tiên của năm mới là thời điểm quan trọng nhất, khi mọi người quây quần cùng gia đình.

Mùa Tết tiếp tục kéo dài đến tháng Ba âm lịch, với nhiều lễ hội lớn nhỏ diễn ra khắp nơi trên cả nước.

Ngày xưa, vụ hè thu bắt đầu, cũng là lúc đánh dấu thời điểm kết thúc các hoạt động Tết.

Lịch Trình Chơi Tết

23 tháng Chạp


Cúng Ông Táo

24 – 29 tháng Chạp


Chuẩn bị cho Tết

Những ngày cuối tháng Chạp


Tiệc Tất Niên Đoàn Viên

Mùng 1 – Mùng 3 tháng Giêng


Tết Nguyên Đán

Rằm tháng Giêng


Rằm Nguyên Tiêu

Mùng 3 tháng Ba


Hội Đạp Thanh

23 tháng Chạp

Cúng Tiễn Ông Bà

Lễ cúng tiễn Ông Bà Táo là phong tục tiễn đưa Táo Quân về chầu trời. Ông bà Táo sẽ báo cáo tất cả những gì gia đình đã làm trong năm qua với Ngọc Hoàng.

Trong văn hóa Việt Nam, bếp lửa được xem như trái tim của ngôi nhà. Nó mang lại sức sống cho mái ấm và các thành viên trong gia đình, thông qua nguồn sinh khí tinh thần hay bằng cách cung cấp bữa ăn thực tế.

Do đó, Táo Quân được coi là các vị gia thần quan trọng, giúp bảo vệ và chăm sóc gia đình.

24 – 29 tháng Chạp

Chuẩn bị cho Tết

Dọn dẹp, sắm sửa

Đây là lúc để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cũng như phần “nhà” của tổ tiên (tức mộ phần của họ), sắm đồ để sử dụng trong năm mới, và làm các món ăn truyền thống cho ngày Tết.

Biếu quà trước Tết

Những món quà thường là đồ trang trí, quần áo hoặc thực phẩm. Thực phẩm thường được dùng trong các bữa tiệc ngày Tết hoặc để đãi khách.

Những ngày cuối tháng Chạp

Cỗ Tất Niên Đoàn Viên

Bữa cỗ cuối cùng của năm cũ mang ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình, bao gồm cả những người thuộc thế giới tâm linh và trần thế. Đây là dịp để tôn vinh, tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời tăng cường gắn bó tình cảm với người thân.

Đầu tiên, bữa cỗ được dâng lên tổ tiên để mời họ cùng về ăn Tết với gia đình.

Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức bữa tiệc. Trong khoảng thời gian này, các thành viên trong gia đình chia sẻ câu chuyện về những người thân yêu, cả những người đã khuất và những người đang hiện diện.

Những truyền thống ẩm thực gia đình cũng góp phần gắn kết mọi người hơn. Những ký ức và hương vị quen thuộc này tạo nên mối dây liên kết đặc biệt giữa các thành viên trong nhà.

Mùng 1 – Mùng 3 tháp Giêng

Tết Nguyên Đán

Triển lãm Ban Nghênh Xuân do Vietnam Society tổ chức, Nam Ngọc Hiên sắp đặt, trong khuôn khổ chương trình Tết Âm Lịch 2024 của Bảo tàng Ái Nữ Cách Mạng Hoa Kỳ
Ban Nghênh Xuân

Ban thờ đặc biệt này không phải là ban thờ cố định – nó được bày biện vào ngày cuối cùng của năm cũ để chào đón năm mới. Ban thờ được đặt ngoài trời, dưới bầu trời rộng lớn, tượng trưng cho sự kết nối giữa trời và đất.

Tại khoảnh khắc đầu tiên của năm mới Âm lịch, người chủ gia đình thắp ba nén hương và một cặp nến, mang ánh sáng và hơi ấm đến Ban Nghênh Xuân. Hành động này mang ý nghĩa mời gọi ánh sáng và hạnh phúc vào nhà trong năm mới.

Ban Nghênh Xuân cũng là không gian linh thiêng, gắn kết các thành viên trong gia đình, cả người sống và người đã khuất, trong suốt ba ngày Tết.

Trên Ban Nghênh Xuân thường có một bình hoa tươi, một mâm quả và các lễ vật, tượng trưng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc tràn đầy.

Ăn Tết với gia đình

Ba ngày đầu tiên của năm mới là thời gian dành riêng để sum họp gia đình.

Trong những ngày này, các thành viên gia đình đến thăm nhà nhau hoặc gọi điện chúc Tết.
Người lớn tuổi trao lì xì cho trẻ nhỏ, và trẻ nhỏ chúc người lớn tuổi sức khỏe, an khang thịnh vượng.

Mỗi ngày, gia đình dâng một bữa cơm lên tổ tiên. Bữa ăn có thể đơn giản hoặc thịnh soạn tùy theo điều kiện của gia đình.

Đến Mùng 3, bữa cơm dâng lên tổ tiên mang ý nghĩa tiễn biệt các vị trở về cõi thiêng.

Rằm tháng Giêng

Rằm Nguyên Tiêu

Chúng ta đã chào đón mặt trời đầu tiên. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua đêm trăng tròn đầu tiên.

Đối với người Việt Nam, nếu mặt trời đầu tiên mang sức mạnh khởi đầu cho sự thịnh vượng của năm mới, thì trăng tròn đầu tiên lại mang phép màu mở lối cho sáng tạo và tình yêu.

Do đó, Lễ hội Rằm Nguyên Tiêu tôn vinh nghệ thuật và tình yêu – những điều dịu dàng, đẹp đẽ trong cuộc sống.

cho những tâm hồn nghệ thuật

Nhiều người yêu nghệ thuật tìm cảm hứng hoặc thưởng thức những tác phẩm yêu thích của mình, dù đó là một bài hát, một bức tranh hay một bài thơ.

cho những người đang yêu

Người trẻ tại lễ hội thường cầu mong Ông Tơ Bà Nguyệt ban cho giấc mơ tình yêu trở thành hiện thực. Một số người tận dụng cơ hội để gặp gỡ những người mới và tìm kiếm nửa kia, trong khi người khác dành thời gian với người trong lòng, hy vọng sẽ có cơ duyên cho tình cảm chớm nở.

Các cặp đôi cũng cầu nguyện Ông Tơ Bà Nguyệt, mong ước hạnh phúc bền lâu trong mối quan hệ hoặc trong gia đình.

Mùng 3 tháng Ba

Hội Đạp Thanh

Hội Đạp Xuân là một phần của Tết Thanh Minh. Tuy đang dần mai một trong đời sống hiện đại, nhưng hoạt động truyền thống này từng phổ biến trong đời sống xưa.

Khi Tết gần kết thúc, mọi người tranh thủ tận hưởng những khoảnh khắc cuối cùng của mùa lễ hội. Người trẻ diện đồ đẹp và đi dạo cùng gia đình.

Đây là cơ hội hoàn hảo để họ giới thiệu người yêu của mình với gia đình một cách khéo léo, nhẹ nhàng; trước khi có một cuộc ra mắt chính thức.

Các cặp đôi có thể cùng nhau đi dạo. Việc thưởng thức phong cảnh nơi công cộng cho phép họ ở bên nhau mà không gây nghi ngờ khi không có người lớn đi kèm.

Đại thi hào Nguyễn Du (thế kỷ 19) đã miêu tả về Hội Đạp Thanh trong Truyện Kiều như sau:

“Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”


Trong hội Đạp Thanh, Thuý Kiều và các em của mình đã gặp Kim Trọng, người sau này trở thành người yêu của Kiều.

Câu Chúc Năm Mới Thông Dụng


Chúc Mừng Năm Mới

Happy New Year

Peace, Health and Prosperity

Năm hết Tết đến,
Con chúc cả nhà:
Tràn ngập an vui,
Dồi dào sức khoẻ.

As the old year fades and the new one is here,
I wish our family joy and cheer,
with happiness and peace to always surround,
and health and blessings that truly abound.

To be fulfilled in happiness,
to be wrapped in prosperity,
to have health and peace,
to have wealth and dignity.

Lên đầu trang